Liên hệ tư vấn 0913 822 372

CÔNG TY CỔ PHẦN HỢP TÁC PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC JA VIỆT

Xuất Khẩu Lao Động Nhật Bản Uy Tín Hàng Đầu Việt Nam

6 Tính cách đặc trưng làm nên con người Nhật Bản

22/11/2022
Share
Có óc cầu tiến và rất nhạy cảm với những thay đổi trên thế giới: Có thể nói không có dân tộc nào nhạy bén với cái mới bằng người Nhật Bản.
 
 
Tính cách con người Nhật Bản
 
1. Có óc cầu tiến và rất nhạy cảm với những thay đổi trên thế giới:
Có thể nói không có dân tộc nào nhạy bén với cái mới bằng người Nhật Bản. Họ không ngừng theo dõi những biến đổi của thế giới, đánh giá cân nhắc những ảnh hưởng của các trào lưu và xu hướng chính đang diễn ra đối với Nhật Bản. Khi xác định được trào lưu đang thắng thế, họ sẵn sàng chấp nhận, nghiên cứu và học hỏi để bắt kịp trào lưu đó, không để mất thời cơ.
 
* Người Nhật Bản rất coi trọng học vấn:
Nhật Bản nghèo tài nguyên chỉ trừ một thứ tài nguyên đặc biệt không nghèo đó là con người. Hệ thống giáo dục được xem như là chìa khóa làm cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định về mặt chính trị. Việc đầu tư cho giáo dục có ý to lớn đối với đất nước. Nhà nước bằng mọi cách suốt hàng thế kỷ qua đã tạo lập ra hệ thống có thể đào tạo lực lượng lao động có hiệu quả cao, đưa đất nước tiến tới hiện đại hóa.
 
Ở cấp độ cá nhân, con người Nhật Bản ngày nay được đánh giá chủ yếu dựa vào học vấn chứ không phải địa vị gia đình, địa vị xã hội và thu nhập. Cũng cần nói rằng, đạo Khổng đã đem lại cho Nhật bản xưa và nay tư tưởng pháp lý xã hội không dựa trên địa vị xuất thân, dòng dõi mà là giá trị qua thi cử.
 
Một trong những tính cách đáng chú ý nhất của dân Nhật là sự ham muốn phát triển nhân cách vô bờ bến của họ. Hơn nữa, sự theo đuổi học tập không phải để thỏa mãn nhu cầu tức thời nào đó mà đơn giản họ tin tưởng sâu sắc giáo dục phải là sự cố gắng suốt đời. Phần lớn người Nhật muốn hoàn thiện mình hơn và học hỏi là cách tốt nhất để đạt mục đích.
 
Chế độ xã hội Nhật Bản tạo cho người dân Nhật niềm tin rằng: số phận cơ may của họ được định đoạt bởi sự chăm chỉ học hành và điều quan trọng là họ cũng tin rằng tất cả họ ngay từ đầu đều có cơ hội bình đẳng như nhau. Do vậy, ý niệm về sự bình đẳng là một đặc điểm quan trọng của hệ thống giáo dục. Phần lớn người Nhật tin rằng họ đang sống trong một môi trường xã hội đồng nhất không phải giai cấp, trong đó nguồn gốc xuất thân, tài sản thừa kế không quan trọng bằng sự cố gắng bản thân.
 
2. Người Nhật rất chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Người Nhật thành công trong việc kết hợp các yếu tố hiện đại và truyền thống tạo nên một nền văn hóa Nhật Bản đa màu sắc. Họ sẵn sàng tiếp nhận những cái mới, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của mình.
 
3. Tinh thần làm việc tập thể:
Đây là yếu tố đặc trưng vượt trội mà không tìm thấy được ở những quốc gia phương đông khác. Trong đời sống người Nhật, tập thể đóng vai trò rất quan trọng. Sự thành công hay thất bại trong con mắt người Nhật đều là chuyện chung của nhóm và mọi thành viên trong nhóm, bất kể anh ta đã làm ra sao, đều hưởng chung sự cay đắng hay vinh quang mà nhóm đã đạt được tập thể, nhóm ở đây có thể là công ty, trường học hay hội đoàn…
 
Trong làm việc người Nhật thường gạt cái tôi lại để đề cao cái chung, tìm sự hài hòa giữa mình và các thành viên khác trong tập thể. Trong các buổi họp hành người Nhật thường ít cãi cọ hay dùng những từ có thể làm mất lòng người khác. Các tập thể (công ty, trường học hay đoàn thể chính trị) có thể cạnh tranh với nhau gay gắt nhưng tuỳ theo hoàn cảnh và trường hợp, các tập thể cũng có thể liên kết với nhau để đạt mục đích chung.
 
Thí dụ điển hình là hai công ty Nhật có thể cạnh tranh với nhau ở trong nước Nhật nhưng khi ra nước ngoài hai công ty có thể bắt tay nhau để cạnh tranh lại với một nước thứ ba của ngoại quốc.
 
4. Người Nhật không thích đối đầu với người khác.
Bản tính của người Nhật không thích đối kháng, đặc biệt là đối đầu cá nhân. Để tránh nó, họ luôn luôn làm theo sự mất trí. Họ chú tâm gìn giữ sự hòa hợp đến mức nhiều khi lờ đi sự thật, bởi dưới con mắt người Nhật giữ gìn sự nhất trí, thể diện và uy tín là vấn đề cốt tử. Chính vì vậy trong xã hội Nhật, có rất ít chỗ cho ý tưởng cá nhân, vì lẽ người nào hòa nhập hoàn toàn vào các nhóm thì sẽ được đền đáp.
 
Trong khi chủ nghĩa cá nhân được đề cao ở phương tây, thì ở Nhật sự tự khẳng định cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào cũng không được khuyến khích.
 
Thông qua câu tục ngữ trứ danh ở Nhật “cây đinh nào ló lên sẽ bị đóng xuống’ thì ta có thể phần nào hiểu rõ hơn về thái độ của người Nhật đối với chủ nghĩa cá nhân.
 
5. Tính tiết kiệm và làm việc chăm chỉ
Người Nhật tằn tiện trong chi tiêu và cần cù trong lao động. Do đó sau 30 năm từ một nước bị chiến tranh tàn phá họ trở thành một cường quốc về kinh tế. Nhật nằm trên vùng hay gặp nhiều thiên tai nên gặp khó khăn bất kỳ lúc nào. Vì vậy tạo nên tính tiết kiệm. Ngoài ra, họ tiết kiệm để bảo đảm vấn đề ăn học cho con cái họ và dành dụm tiền mua nhà.
 
6. Lòng trung thành
Khi lý giải về những thành tựu to lớn trong lĩnh vực kinh tế và ổn định xã hội nhiều người đã nghiên cứu lòng trung thành và coi đó là một nhân tố đóng góp cho sự phát triển đó. Nho giáo đã có nhiều ảnh hưởng về mặt đạo đức. ở Nhật bổn phận con cái đồng nhất với lòng trung thành.
 
Người Nhật luôn bị ràng buộc trong mối quan hệ trên dưới: một bên là sự bảo hộ, một bên là sự thuần phục và trung thành. Mọi người đều có trách nhiệm tuân theo các nguyên tắc xử sự để tránh sụp đổ hay đối địch. Trong một công ty thì cống hiến trung thành, kiềm chế là một khẩu hiệu chủ chốt. Trong khi người quản lý được yêu cầu phải có tình thương thì công nhân được yêu cầu phải biết vâng lời, trung thành với chủ đề trên.
 
Hơn thế các công ty Nhật Bản tăng cường sức mạnh của chính mình bằng cách nuôi dưỡng tình cảm trung thành của các công nhân và bằng cách đào tạo họ hơn nữa. Chính sự hài hòa giữa các nhân viên của công ty và sự hiến thân của họ cho công ty, chứ không phải sự cạnh tranh giữa các nhân công riêng lẻ, mới là điểm quan trọng. Nhưng khi phải cạnh tranh với các địch thủ nước ngoài thì các công ty Nhật lại đoàn kết thành một cơ thể thống nhất. Như vậy xã hội Nhật Bản là một xã hội cạnh tranh quyết liệt nhưng không tạo ra sự cạnh tranh giữa các cá nhân, cá nhân phải làm việc quên mình cho cuộc cạnh tranh của nhóm.
 
Bên cạnh những tính cách nêu trên, người Nhật còn có một số đặc tính:
 
+ Luôn làm việc theo mục tiêu đã định.
 
+ Tôn trọng thứ bậc và địa vị. Rất coi trọng tôn ti trật tự.
 
+ Cần cù và có tinh thần trách nhiệm cao.
 
+ Yêu thiên nhiên và có khiếu thẩm mỹ.
 
+ Tinh tế, khiêm nhường.
 
+ Trong kinh doanh người Nhật rất trọng chữ tín và phát triển mối làm ăn lâu dài.
 
Như vậy, chúng ta không thể không thừa nhận rằng những tính cách truyền thống của người Nhật kể trên đã có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển hiện đại hóa của Nhật Bản, có ảnh hưởng trực tiếp đến thực tiễn quản lý kinh tế – xã hội. Trên thực tế, nó đã tạo nên cơ cấu đạo đức của xã hội Nhật Bản hiện đại.